Sắp đến 1000 năm Thăng Long-Hà Nội,trên các báo mạng xuất hiện nhiều bài viết phê bình về bộ phim "Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long" trong đó phần lớn là chê.Một trong những cái chê nhiều đó là trang phục trong phim(Vua Việt mà như vua Tàu) vậy phải chăng trang phục của các tiền nhân nước ta đều bắt chước Tàu.Mời các bác đọc bài viết sau về trang phục Việt cổ mà tôi sưu tầm trên mạng:
"Đất nước Việt Nam nằm trong vùng Đông Nam Á, thuộc miền nhiệt đới ẩm nhưng thế đất kéo dài từ Bắc xuống Nam nên khí hậu miền Bắc và miền Nam có sự khác nhau. Ở miền Bắc có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông được phân biệt khác rõ nhưng ở miền Nam, do ảnh hưởng của gió mùa nên chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô.
Đất nước Việt Nam có núi cao rừng rậm, có sông dài biển rộng, có đồng bằng bát ngát phì nhiêu, trung du trù phú. Những điều kiện hoàn cảnh địa lý, khí hậu đó thúc đẩy sự phát triển tính đa dạng về trang phục của nhân dân từng vùng để con người thích nghi và tồn tại.
Dân tộc Việt Nam bao gồm nhiều dân tộc, trong đó người Việt có số dân đông nhất và là một trong những tộc người có gốc tích lâu đời trên dải đất này. Mỗi dân tộc đã có bản sắc văn hóa độc đáo. Do đó trang phục nói chung và của từng tộc người nói riêng thật phong phú đa dạng và đầy tính năng qua từng thời kỳ của lịch sử Việt Nam từ trước đến ngày nay.
Trang phục thời Hùng Vương
Cách đây khoảng 4.000 năm vào thời đại đồng thau phát triển, nước Việt Nam thời đó gọi là nước Văn Lang. Người dân ở đây đã sinh sống bằng săn bắn, hái lượm và trồng trọt... Họ không dùng vỏ cây làm áo nữa mà đã biết trồng gai, đay, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Vào thời kỳ này đồ đồng rất phong phú. Trống đồng và nhiều tượng phù điêu bằng đồng có khắc họa những cảnh sinh hoạt thời đó với những hình người, với các loại trang phục khá rõ nét và được thể hiện bằng phong cách nghệ thuật biến hình, cách điệu cao...
Qua đó ít nhiều đã cho thấy trang phục của người thời đó khá phong phú như phụ nữ mặc áo ngắn đến bụng, xẻ ngực, bó sát vào người, phía trong mặc yếm kín ngực, chiếc yếm cổ tròn sát cổ, có trang trí những hình tấm hạt gạo. Cũng có những loại áo cánh ngắn, cổ vuông, để hở một phần vai và ngực hoặc kín ngực, hở một phần vai và trên lưng. Hai loại sau có thể là loại mặc chui đầu hay cài khuy bên trái. Trên áo đều có hoa văn trang trí. Thắt lưng có ba hàng chấm trang trí cách đều nhau quấn ngang bụng...
Qua những hiện vật khảo cổ đã tìm được cho thấy trang phục của đàn bà và đàn ông như sau:
- Đàn bà mặc váy (váy kín "váy chui" và váy mở "váy ngắn").
- Đàn ông thường đóng khố và cởi trần.
Do điều kiện khí hậu và sinh sống, người dân thường lên rừng săn bắn, hái lượm hay xuống biển bơi lặn đánh cá, hoặc làm ruộng nước vất vả nên đầu tóc phải gọn gàng. Vì vậy đàn ông và đàn bà phải cắt tóc ngắn đến ngang vai hoặc một số ít cắt ngắn đến chân tóc.
Về trang phục của chiến binh thì gồm mảnh giáp hình chữ nhật dùng để che ngực có 4 quai đeo. Đai lưng bằng đồng có khóa to bản, được hình thành bởi nhiều các móc được liên kết với nhau. Trên bề mặt mỗi miếng đều có họa tiết hình rùa hay chim.... Các loại bao ống tay, bao ống chân bằng đồng có thể được dùng trong các điệu múa ngày lễ, ngày hội.
Về hình thức trang sức và trang điểm của người Việt cổ thì nam nữ đều xâu lỗ tai và đeo đồ trang sức. Các loại vòng tai phổ biến của hai giới là hình tròn, hình vành khăn, hình khối đặc biệt là loại vòng hoa tai gắn quả nhạc hay đôi hoa tai bằng đá, hình con thú. Những chuỗi hạt thường thấy gồm các loại hạt hình trụ, trái xoan, hình cầu. Còn vòng tay với nhiều hình khác nhau như: tròn, vuông, chữ nhật, lòng máng, sóng trâu... có trang trí hoa văn hình lông chim hay bông lúa, ngoài ra còn nhiều nhẫn bằng đồng đeo ở ngón tay cũng gắn quả nhạc dài xinh xắn. Tuy đồ trang sức còn thô sơ, nhưng với điều kiện chế tác hạn chế ta thấy con người thời đó đã có trình độ thẩm mỹ và óc tưởng tượng cao, đã quan tâm đến vấn đề làm đẹp cho thân thể, đồng thời thể hiện bàn tay khéo léo, cần cù lao động.
Đàn ông thường vẽ lên mình những hình ngoằn ngoèo, hình móc câu, đó là tục xâm mình phổ biến. Đàn ông và đàn bà đều nhuộm răng đen và có tục ăn trầu...
Nghiên cứu các kiểu trang phục, trang sức, trang điểm thời Hùng Vương, ta tìm hiểu được khía cạnh về đời sống, mối quan hệ xã hội thời đó. Mặt khác, ta còn chắt lọc ra những yếu tố thẩm mỹ làm tôn vẻ đẹp con người gắn bó với thiên nhiên, hài hòa với đất nước non trẻ, với xã hội vào thời kỳ đầu dựng xây.
Trang phục thời Phong Kiến
I. Vài nét về trang phục thời Ngô - Đinh - Tiền Lê
Vào nửa sau thế kỷ III trước công nguyên, Thục Phán, một thủ lĩnh người Âu Việt từ miền trên đã tràn xuống đánh chiếm nước Văn Lang, thống nhất hai lãnh thổ, dựng nên nước Âu Lạc, dời đô từ miền núi xuống đồng bằng. Thời kỳ này đồ sắt phát triển. Trong thời kỳ đất nước Âu Lạc bị Triệu Đà xâm lược, cai trị, cộng với ba lần bị phong kiến phương Bắc thống trị hơn một ngàn năm (207 trước công nguyên - 939), nhân dân ta một mặt đấu tranh với kẻ thống trị, nhưng một mặt vẫn tích cực phát triển sản xuất. Nghề dệt đã có những phát triển quan trọng. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã phổ biến và còn sản xuất được các loại vải bông thô, vải đay, vải gai, vải cát bá loại mịn, lụa... Đã biết dùng tơ tre, tơ chuối dệt thành vải. Vải dệt từ tơ chuối có tên gọi là vải Giao Chỉ. Khăn bông được thêu thùa rất đẹp gọi là bạch diệp. Ngoài ra, còn làm nhiều đồ trang sức bằng vàng bạc (vòng tay, nhẫn, hoa tai, trâm), bằng ngọc (vòng, nhẫn), bằng hổ phách, bằng thủy tinh (chuỗi hạt). Đã từng phải cống cho triều đình phương Bắc loại mũ "đầu mâu" hoàn toàn bằng bạc (khảo cổ học đã phát hiện được nhiều kiểu khóa thắt lưng, chứng tỏ tục mang tai rất phổ biến).
Đến triều đại nhà Đinh (968 - 980), về trang phục, sử sách đời sau chỉ nhắc đến một số rất ít hiện tượng như: (Năm 974), quân lính "đều đội mũ chỏm, bằng, bốn bên hình vuông. (Mũ làm bằng da, bốn cạnh khít lại, trên hẹp dưới rộng), gọi là mũ "tứ phương bình đỉnh". Hoặc "Năm Thái Bình thứ sáu (975) Đinh Tiên Hoàng định phẩm phục của các quan văn võ". Hoặc (năm 980) ở một bức thư của nhà Tống gửi cho triều đình ta có nói tới việc nhân dân ta thời đó đều cắt tóc ngắn. Hoặc có nhắc đến mũ của các đạo sĩ là màu vàng, áo của các nhà sư là màu thâm, các quan được dùng ấn vàng thì thắt lưng dải tím, được dùng ấn bạc thì thắt dải xanh...
Sang thời (tiền) Lê (981 - 1009), ta thấy: Vua Lê Đại Hành lên ngôi mặc áo long cổn, về sau áo mặc thường dùng vóc đỏ, mũ trang sức trân châu.
Lê Ngọa Triều, (1006) đổi lại phẩm phục cho các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống.
Như vậy là suốt thời gian dài này, tư liệu và hiện vật về trang phục để lại rất hiếm. Kể cả về sau, những tài liệu thành văn cũng chỉ chủ yếu nói về trang phục trong triều đình (nhắc đến tên mũ, tên áo, màu sắc... chứ không miêu tả tỉ mỉ, cặn kẽ). Một số hiện vật bằng gỗ, đá để lại nói chung hình nét không được rõ lắm.
Dù sao trong vài chục năm trị vì, các vua Đinh, Lê cũng đã giành sự quan tâm đến lĩnh vực trang phục, đặc biệt là mũ áo triều đình. Nhìn chung, ít nhiều thấy có sự kế thừa hoặc sáng tạo về hình loại, kiểu cách, màu sắc, nhưng đáng trách hơn cả là sự sao chép một cách nô lệ, lười biếng của vua Lê Ngọa Triều tạo một tiền đề lai căng cho những kiểu mẫu trang phục về sau.
Tuy nhiên, trong những thời kỳ chế độ phong kiến ổn định, thì càng về sau, trang phục cũng đã dần dần được qui định cho từng thành phần trong xã hội (vua, quan, dân...) cho mọi nghi thức trong cuộc sống (cưới, tang, lễ, hội...). Căn cứ trên hình thức, màu sắc, họa tiết... trong trang phục, ở từng giai đoạn, sự phân biệt mang tính chất giai cấp đã được hình thành rõ rệt.
II. Nhà Lý (1009 - 1225):
a. Trang phục triều đình
Triều đại nhà Lý (1009 - 1225), kinh đô từ Hoa Lư dời về thành Đại La và gọi là Thăng Long. Năm 1054, đặt tên nước là Đại Việt.
Năm 1029, vua Lý Thái Tông định quy chế mũ áo của các công hầu và các quan văn võ. Nhưng chắc việc quy định này còn chưa chặt chẽ kể cả về hình thức trang phục và cách thức sử dụng. (Theo tư liệu để lại, các quan triều Lý một thời gian vẫn đeo cái túi có hình cá bằng lụa đỏ và bằng vàng, ít nhiều còn ảnh hưởng lối trang sức của nhà Tống).
Năm 1040, nhà vua chủ trương dùng gấm vóc trong nước để may lễ phục mà không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa. Số gấm vóc của nhà Tống còn lại trong kho thì phát hết ra may áo cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên: áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên, áo bào bằng vóc. Điều này biểu thị chí tự cường, tự lập của dân tộc đã khá cao.
Năm 1059, vua Lý Thánh Tông định triều phục cho các quan. Vào chầu vua, các quan phải đi tất, đi hia và đội mũ phác đầu. (Mũ này có 4 góc, 4 tai, sau làm 2 tai ngang, tức mũ cánh chuồn, có thể là kiểu mũ từ thời Đinh, sau thêm tai), mặc áo bào tía, cầm hốt ngà, thắt đai da. Lệ đội mũ phác đầu, đi hia bắt đầu có từ thời này.
Qua võ phục thời Lý, ta bắt gặp những dạng hoa văn, những hình xoắn, hình móc... thường thấy trong lĩnh vực trang trí, hội họa thời đó. Những biểu tượng cho thiên nhiên, cuộc sống được khắc lại trên trang phục của những nhân vật tượng trưng cho sức mạnh là một đặc điểm hài hòa rất có ý nghĩa.
Các vũ nữ, tóc thường búi cao lên đỉnh đầu, trên trán có một điểm trang trí, mái tóc điểm những bông hoa, tay đeo vòng, cổ đeo những chuỗi hạt, mặc váy ngắn có nhiều nếp.
Trang phục của nhạc công cũng khá độc đáo. Mũ chùm kín tóc, phía trên mũ được làm cao lên và trang trí các diềm uốn lượn. Áo cánh trong: tay dài và chít ở cổ tay. Bên ngoài là một chiếc áo, cộc tay. Quanh cổ áo có chiếc vân kiên (như chiếc yếm dài) chùm cả một phần ngực, lưng và vai. Quanh bụng đeo những miếng diềm vải rộng có trang trí nhiều đường thêu đẹp. Bụng chân quấn xà cạp và chân đi giày vải mũi nhọn.
Thời gian này vẫn còn tục xăm mình. Từ vua đến quân sĩ ai cũng xăm mình. Quân cấm vệ xăm vào ngực và chân những dấu hiệu riêng và được phép xăm hình rồng lên người.
b. Trang phục nhân dân
Thời Lý có lệnh cấm người dân mặc áo màu vàng (1182), con gái dân gian không được bắt chước kiểu búi tóc như cung nhân.
Những pho tượng tròn hoặc tượng đắp nổi bằng đá của thời Lý còn lại cũng chứng minh quần áo thời đó đã được may theo quy cách, bằng nhiều loại vải tốt và mịn.
Ở thời Lý, đàn bà thường đeo khuyên bạc, vũ nữ thường búi tóc cao và buộc diềm hoa trên đầu gợi lại hình ảnh trang điểm ở tượng người phụ nữ trên cán dao găm, trên chuôi kiếm ngắn từ thời Hùng Vương, hoặc các võ tướng còn đính nhiều quả nhạc trên áo giáp... biểu hiện ý thức "nhớ nguồn", chứng minh tinh thần tiếp nối và phát huy truyền thống.
Cùng với những hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục, những hoa văn, họa tiết thời Lý ở các hiện vật khác không chỉ là yếu tố trang trí nghệ thuật mà còn có nhiều ý nghĩa tượng trưng, như những hình dạng xoắn ốc đôi, chính là ký hiệu mây mưa mà ông cha ta vẫn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, như hình tượng con rồng thời Lý là "rồng rắn" một đồ án trang trí đẹp và độc đáo, tượng trưng cho nguồn gốc lịch sử dân tộc, vòng uốn lượn mềm mại của thân rồng tượng trưng cho nguồn nước và mây mưa, là niềm mơ ước của cư dân lúa nước.
Nghiên cứu trang phục và hoa văn, họa tiết thời Lý như trên, ta thấy một ý nghĩa đặc biệt là nó đã phản ánh được mối tương quan thống nhất trong đời sống kinh tế, quân sự, văn hóa... của xã hội thời đó khá rõ nét.
III. Nhà Trần (1225 - 1400):
Triều Lý suy vong, triều Trần nối tiếp (1225 - 1400). Đất nước Đại Việt thời Trần, với ý chí sắt đá tự lập tự cường của triều đình và của toàn dân, xây dựng trên nền tảng truyền thống dân tộc, trên những chiến công ba lần chống xâm lược Nguyên - Mông, đã phát triển mạnh mẽ nhiều mặt. Về nghề dệt, thời gian này nhân dân ta đã có nhiều loại vải bông, vải gai, lụa, lĩnh, sa, the, nái, sồi, đoạn, gấm, vóc... Nghề thêu cũng phát triển.
a. Trang phục triều đình:
Năm Hưng Long thứ 8 (1300), quan võ dùng kiểu mũ áo mới. Quan văn đội mũ chữ đinh màu đen. Tụng quan đội mũ toàn hoa (mũ hoa thủng có hai vòng vàng đính ở hai bên) màu xanh như kiểu cũ. Cửa tay áo các quan văn, võ rộng từ 9 tấc đến 1 thước 2 tấc, kiểu hẹp từ 8 tấc trở xuống thì không được dùng. Các quan văn võ không được mặc xiêm. Tụng quan không được mặc thường.
Sau đó (1301) lại cho phép các quan đội mũ chữ đinh, thêm miếng lụa bọc tóc màu tía pha màu biếc (bịt lên đầu dùng để buộc chân tóc lại, bỏ thừa về đằng sau).
Vương hầu nào tóc dài thì đội mũ triều thiên, người nào tóc ngắn thì đội bao cân (1303). Có lẽ đây là loại khăn chùm đầu màu xanh thẫm mà Trần Phu đã nhắc đến trong bài An Nam tức sự (1294).
Đến năm 1395, Lịch Triều tạp kỷ lại quy định mũ áo của các quan văn, võ. Nhất phẩm thì màu tía, nhị phẩm: màu đại hồng, tam phẩm: màu đào hồng, tứ phẩm, ngũ phẩm: màu lục, thất phẩm: màu biếc, bát, cửu phẩm: màu xanh. Người không có phẩm hàm và nô bộc: màu trắng. Người hầu trong cung thì mặc váy mở, không dùng xiêm.
Các quan theo hầu, chức văn từ lục phẩm trở lên được đội mũ cao sơn (chánh lục phẩm: mũ màu đen, tòng lục phẩm: màu xanh). Chánh lục phẩm được mang đai, đi hia. Người tôn thất đội mũ phương thắng màu đen. Chức võ, lục phẩm đội mũ chiết xung, tước cao màu không có chức được mang đai và đội mũ giác đính, thất phẩm đội mũ thái cổ, tòng thất phẩm đội mũ toàn hoa. Vương hầu đội mũ viên du. Ngự sử đài đội mũ khước phi. Nhà vua búi tóc, dùng theo bọc và buộc lại, trông như khăn nhà đạo sĩ, chỉ rộng hơn một ít, còn tóc ở hai bên thì vẫn để lộ ra và xõa xuống. Các quan được mặc áo bào và cầm hốt. Có những trường hợp đi chân đất.
b. Trang phục nhân dân:
Triều đình thời Trần mấy lần quy định chế độ mũ áo cho các quan văn, quan võ, còn đối với nhân dân không thấy nêu những điều lệ cụ thể. Duy chỉ được biết là trong nhân dân, trừ phụ nữ không bị cấm, còn không ai được mặc màu trắng. Ai mặc màu trắng là phạm pháp. Có thể đây là để giành riêng màu trắng cho những người tôi tớ trong cung, tránh sự lẫn lộn trong xã hội? Các màu xanh, đỏ, vàng, tía, cũng không dùng.
Đàn bà thường mặc áo tứ thân màu đen, trong lót vải trắng để may viền vào cổ áo, rộng khoảng 13cm, cắt tóc để lại chừng 10cm rồi buộc túm lên đỉnh đầu, xong uốn cong đuôi tóc và buộc lại lần nữa hình giống như cây bút, không để tóc mai, không búi tóc phía sau đầu, không đeo vòng khuyên. Những người giàu thì cài trâm đồi mồi, còn thì cài trâm bằng xương hoặc sừng, không dùng phấn sáp hay xoa dầu.
Đàn ông thường cởi trần hoặc mặc áo tứ thân màu đen, cổ áo tròn bằng the, quần mỏng bằng lụa thâm. Đại đa số cạo trọc đầu (kể cả trẻ em). Có người chùm đầu bằng khăn lụa. Ngày thường ở nhà, chỉ để đầu trần, khi tiếp khách mới đội chăn, khi ra đường mang khăn theo, đều đi đất, cũng có người đi giầy da, nhưng khi vào cung vua thì cởi ra.
Trong nhân dân vẫn phổ biến tục nhuộm răng đen và ăn trầu.
Tục xăm mình thời Trần rất phổ biến, đạt đến trình độ nghệ thuật, và đã có thợ chuyên vẽ hình.
Trong khi quân đội thời Trần đều thích lên cánh tay hai chữ "Sát Thát", thì nhân dân Đại Việt, nhiều người, dù là người đã có con cháu, cũng xăm lên bụng những chữ "Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc" thể hiện tinh thần vì việc nghĩa liều thân, báo đền ơn nước. Xăm mình, thích chữ vừa là truyền thống, vừa là thi hành lời thề thiêng liêng, vừa thể hiện một tinh thần thượng võ. Đồng thời, đó cũng là một hình thức trang điểm trên thân thể phản ánh quan niệm về cái đẹp của người đương thời.
Nhìn nhận chung, trang phục thời Trần có những sắc thái đặc biệt, nó không tách rời ảnh hưởng của một nguyên lý thẩm mỹ xuất phát từ tinh thần thượng võ Đông Aá, bắt nguồn từ truyền thống dựng nước, giữ nước oanh liệt của dân tộc. Trong vòng 30 năm ba lần so gươm, đọ dáo với một kẻ thù khét tiếng hung hãn đang "làm cỏ" nhiều nước trên thế giới, quân dân Đại Việt, với lòng yêu nước nồng nàn, với sức mạnh đoàn kết chặt chẽ, với trí thông minh sáng tạo, đã phải thường xuyên cảnh giác, thường xuyên rèn luyện, liên tục chiến đấu ngoan cường và đã giành được thắng lợi huy hoàng. Thực tế khách quan ấy không cho phép một sự cầu kỳ, phức tạp, tản mạn... trên mọi hình thái đời sống xã hội thời ấy, trong đó có phần trang phục, trang sức. (Ví dụ như phụ nữ không trang điểm diêm dúa cho tới về sau khá lâu, vua quan đều ăn mặc giản dị...).
Tuyệt đại đa số nhân dân đều đi chân đất và mặc áo tứ thân quen thuộc. Màu vải đen là màu phổ biến. Nam giới, hầu hết già trẻ đều cạo trọc đầu, vì theo đạo Phật, còn là nói lên tinh thần của một đất nước "toàn dân vi binh".
Đặc biệt là tục thích chữ, xăm mình, biểu hiện sự hòa hợp với thiên nhiên, biểu hiện ý thức tiếp nối truyền thống, không quên gốc Tổ, biểu hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu cho nền độc lập của dân tộc. Những hình xăm trên mình, những chữ thích trên cánh tay, trên bụng nhắc nhở bản thân từng người, nhắc nhở lẫn nhau, đồng thời cũng là một thái độ rõ ràng với quân địch (nhất là khi bị bắt): tự nhận mình là kẻ tử thù với chúng.
Chỉ sau khi ba lần đánh thắng quân Nguyên, triều đình mới ban hành các quy định về mũ áo cho các quan, và về thực chất, các kiểu trang phục ấy, kể cả những hình thức quần áo trong nhân dân về sau này tuy không được giản đơn như thời kháng chiến - cũng là lẽ tất yếu - nhưng vẫn giữ được phong cách khoáng đạt, khỏe khoắn chung mang hơi thở của thời đại. Hiện tượng những người phục vụ nhà vua, quân lính trong khi làm nhiệm vụ, kể cả khi ở triều đình, vẫn được cởi trần, như các tầng lớp nhân dân khác, là điều chứng minh. Tinh thần độc lập, tự chủ còn được thể hiện ở việc triều đình quy định về màu sắc trang phục: nhà Trần không theo quan điểm của Khổng giáo coi trọng chính sắc, mà vẫn dùng các màu gián sắc như màu tía, màu hồng, màu biếc, màu lục v.v... để may mặc cho các quan các cấp.
Bên cạnh hình các nhạc công, vũ nữ với những bộ trang phục đẹp đẽ, có những dải lụa mỏng phấp phới uốn lượn như lướt theo động tác múa, bay lên như hòa quyện cùng âm thanh, điệu múa, rộn ràng, sống động..., bên cạnh những họa tiết long, ly, quy, phượng, sen, cúc, trúc, mai... là hình tượng "thanh cao" chốn cung đình, còn có những hình rồng mập, khỏe và còn biết bao hình ảnh con nai, con cá, rong, rêu, cây cỏ, mây nước... rất gần gũi với nhân dân. Những họa tiết trên gốm, hình hoa dây mềm mại tinh tế, họa tiết sóng xô, nước cuốn chạm khắc trên đá, gỗ... tất cả đã toát lên đặc điểm phẩm chất con người và đất nước Đại Việt thời Trần.
Ảnh: Trang phục Cung đình Huế xưa
Trang phục từ 1945 đến nay
Lịch sử đất nước có những thay đổi lớn lao: Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công rồi sau đó là cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ.
Vào thời kỳ này, trong nhân dân, người già như trẻ lại. Họ mặc những bộ quần áo mới đi học, đi mít tinh. Lớp trẻ cảm thấy lớn lên, ghé vai đảm đương công tác cách mạng. Nhiều người cất áo the, khăn đóng, mặc áo cánh hoặc sơ-mi, gọn gàng hơn. Phụ nữ nhà giàu bớt diêm dúa, đi theo chị em lao động làm việc công ích. Công nhân áo trắng, quần yếm xanh, nông dân quần áo nâu mới. Đặc biệt, lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng (nhất là các em ở thành thị), các em mặc đồng phục, tập trung hội họp, ca hát... bước đầu làm xóa ranh giới giữa con "ông chủ", con "chị sen", con "ông đốc", con "anh thợ" của những ngày hôm trước.
I. Trang phục đàn ông:
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trang phục đàn ông ở thành thị được Âu hóa khá nhanh. ở nông thôn còn phải trải qua một quá trình lâu hơn mới có sự thay đổi căn bản. Thông qua cuộc kháng chiến chống Pháp, mối quan hệ thành thị, nông thôn được chan hòa đã thúc đẩy tích cực sự biến chuyển ấy. Nhiều thanh niên nông thôn bắt đầu mặc áo sơ mi, quần Âu, trong khi đó nhiều cán bộ xuất thân ở thành thị cũ đã thường xuyên mặc quần áo nâu để dễ thâm nhập vào quần chúng nông thôn.
Ở miền Bắc, từ năm 1954, phát triển chiếc áo vải ka-ki đại cán, bốn túi, mặc ngoài (kiểu áo Tôn Trung Sơn - Trung Quốc - đã được Việt hóa).
Mùa hè, chiếc áo sơ mi cộc tay được ưa chuộng, may thẳng, không bó, cổ hai ve. Khi mặc thường bỏ ra ngoài quần cho đỡ nóng. Có thời kỳ ống tay và thân áo rộng, sau đó ống tay và thân áo được may hẹp lại, mặc gọn và khỏe. Aáo sơ mi dài tay, mùa hè được vén ống tay lên trên hay dưới khuỷu tay. Các cụ ông vẫn ưa dùng bộ quần áo cánh ta màu nâu, màu xanh, hay trắng, vì mặc nó nhẹ nhàng, thoáng mát, thoải mái. Hoặc mặc kiểu áo sơ-mi ba túi, cổ hai ve (như kiểu áo ngủ).
Mùa rét, chiếc áo ka-ki có hai túi chéo, màu tím thanh là vỏ áo chùm ra ngoài một nền bông máy ô vuông rất phổ biến, phù hợp với cuộc sống lao động và giai đoạn thời chiến. Khi áo bẩn, chỉ việc tháo vỏ ngoài ra giặt. Đôi dép làm bằng lốp ô tô (dép cao su đen) được dùng nhiều vì tiện lợi và rẻ tiền.
Những năm 1954 - 1975, ở miền Trung, trong vùng tự do, trang phục của những người lao động không có gì thay đổi lắm.
Trong vùng tạm chiếm, cách ăn mặc cũng không bị pha tạp nhiều. Đàn ông, những người nhiều tuổi mặc áo dài the, áo sa tanh đen hay màu lam, áo gấm hoa hay chữ thọ v.v... Quần trắng ống sớ. Đội khăn xếp, đi giày da láng hay giày da đen. Một số mặc Âu phục. Trung niên, thanh niên mặc sơ mi, áo vét tông, thắt cravát, quần Âu (thường là màu sáng), đi giày da, hoặc săng đan, cắt tóc ngắn, rẽ ngôi cạnh, chải mượt. Mũ cát, mũ lưỡi trai v.v... vẫn thường thấy. Qua thực tế, ta thấy những người đàn ông ở miền Trung, đặc biệt là ở thành phố Huế, đã chú trọng mặt trang phục của giới mình nhiều hơn là các tầng lớp đàn ông ở miền Bắc hay miền Nam.
Cũng thời gian này, ở nông thôn miền Nam, ngoài quần áo bà ba, nhiều người cũng đã mặc sơ mi. Còn trong các thành phố bị tạm chiếm, đặc biệt là Sài Gòn, đã được Âu hóa đậm nét. Trang phục của nhân dân bị pha tạp nhiều; hầu hết đàn ông đều mặc sơ mi, vét tông, quần Âu bằng nhiều loại vải, nhiều màu sắc và kiểu may. Đi giày tây, săng đan, xăm-pô dép nhựa các kiểu. Đội mũ nhựa trắng, mũ phớt, mũ lưỡi trai... bằng da hay vải. Mốt thời trang châu Âu tràn ngập vào miền Nam được thanh niên hưởng ứng nhanh chóng áo sơ mi chiết ly, các loại áo thun, áo phông trước ngực và sau lưng in hình người, phong cảnh hay những giòng chữ của các nước tư bản.
Theo phong trào "híp-py" một số nam thanh niên mặc áo bằng vải xô, may gần giống kiểu áo cánh rộng, cổ tròn trễ xuống ngực, xẻ tà, gấu dài quá mông, thêu ở ngực, ở cửa tay và gấu áo... Tai và cổ đeo vòng đồng to. Mặc quần bò "zin" sờn, bạc màu, có khi vá miếng da ở đầu gối. Đi guốc gỗ to, mui bịt, gót hở, đế cao từ 5cm đến 9cm xung quanh đóng đinh mũ bằng kim loại hoặc sơn hóa chất màu xanh, đỏ, hình vuông, tròn hoặc bầu dục. Tóc chấm vai, để râu các kiểu.
Từ năm 1975 đến nay, đa số đàn ông mọi lứa tuổi trong cả nước đều mặc quần Âu (thường gọi là quần Tây): Kiểu quần Âu này xuất xứ từ châu Âu, vào nước ta từ khi Pháp sang đô hộ.
Quần Âu ở Việt Nam cũng qua những chặng đường thay đổi theo trào lưu của thế giới: Từ ống hẹp 18cm đến 20cm, mông và đũng rộng, ở cạp quần có nhiều đường chiết. Đến năm 1938 - 1939, ống quần rộng ra một chút, mông hẹp hơn. Năm 1950 - 1970 ống quần thanh (ống đứng) từ 20cm - 22cm, mông và đũng may sát gọn. Có thời kỳ một số thanh niên mặc quần ống bó khoảng 15cm (ống tuýp). Năm 1970 - 1980 một số thanh niên mặc mốt quần ống loe từ 30cm đến 70cm. Đến năm 1982, mốt quần Âu lại trở về dạng ống "tuýp", một số quần bó ống, bó mông và đùi bằng loại vải bò hay ka ki trắng hoặc nhung kẻ, quần có túi nổi sau mông, kéo phéc mơ tuya hay đính nhiều khuy bằng đồng...
Những chi tiết của quần Âu như ly lật vào trong hoặc ra ngoài, đỉa to, nhỏ ở cạp, túi thẳng, túi chéo v.v.. đều mang cả hai yếu tố: thực dụng và thẩm mỹ (quần túi chéo tạo thế cho tay vào túi dễ dàng, đường chéo của túi phá đi đường thẳng, ngang làm cho chiếc quần phong phú về đường nét...).
Thắt lưng hoặc bằng ny lông, bằng vải, bằng da có diện tích chiều ngang từ 2cm đến 8cm. Khóa bằng kim loại nhỏ, to, tùy theo loại thắt lưng với nhiều hình tròn vuông, bầu dục, chữ nhật, có những họa tiết hoặc hình chữ nhiều màu: xanh, đỏ, trắng...
Do quan niệm là quần soóc có tính chất thể dục thể thao, nên tuy thời tiết nước ta nóng nực nhưng nam giới ít mặc soóc cho mát. Tư tưởng bảo thủ vẫn còn phổ biến: cho rằng mặc soóc ra đường không được đứng đắn.
Về áo, nam giới thường mặc áo sơ mi may bó, ve cổ áo và măng sét to bản. Có người (tuổi trẻ) mặc áo chiết ly, gấu áo lượn, vạt ôm lấy mông (áo đuôi tôm). Có loại áo không may cầu vai hoặc có cầu vai nhưng chỉ có hai nếp ly hoặc không có ly (trước đây suốt ngang lưng đều làm ly). Có người mặc áo phông, áo dệt kim ba lỗ v.v... phong phú về màu sắc, đa dạng về kiểu may. Có người mặc áo hoa, loại vải mỏng...
Mùa đông cũng như những ngày lễ, ngày hội, đàn ông thành thị mặc com-lê các màu, gần đây ưa màu sáng như màu sữa, màu be, màu ghi nhạt... Aáo vét tông có thời gian ve to, rồi lại nhỏ, nay lại to. Có loại ve nối, hoặc ve liền với kiểu ve nhọn, hoặc ve xếch, ve đăn-tông. Hai vạt áo phía trước, góc thẳng hoặc tròn. Có loại vét tông xẻ hai đường nhỏ ở gấu áo hai bên mông. Cravát có thời gian rất nhỏ làm bằng vải ni lông. Nay lại rất to làm bằng các loại vải hoa. Gần đây nhiều người đã không thích thắt cravát nữa.
Ngoài ra, có nhiều kiểu áo rét như măng-tô bằng dạ, áo mút, áo bay, áo blu-dông bằng da, áo len dệt, đan các kiểu v.v...
Ở nông thôn, mùa rét một số người vẫn mặc áo bông hoặc áo va-rơi bằng dạ...
Mọi người thường đi dép cao su đen có hai quai chéo phía mũi dép và hai quai ngang đằng sau, hay dép cao su cải tiến đế cao từ 3 - 7cm, có hai quai chéo như xăng đan, xăng đan bằng da, đế da hay đế kếp, dép nhựa hoặc săm pô các loại, giày tây, giày ba-ta, bát-kết cũng thường được sử dụng. Ngày lễ, ngày tết đi giày tây các kiểu, đế cao hoặc thấp, gót vuông, mũi vuông hay nhọn.
Nhìn chung trang phục của đàn ông trong cả nước, nhất là ở thành thị, đã được may theo các kiểu trang phục châu Âu, xem ra cũng có phần gọn gàng, thuận tiện. Tuy vậy, với những đặc điểm khí hậu, thói quen thẩm mỹ, điều kiện kinh tế... ở từng vùng Việt Nam, các loại trang phục đàn ông cũng đã được cải tiến nhiều cho thích hợp. Điều thấy rõ là qua trang phục đàn ông, người ta không thấy còn sự cách biệt giữa các tầng lớp con người như trong xã hội cũ nữa.
II. Trang phục phụ nữ:
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, trang phục của phụ nữ nông thôn có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu. Chị em mặc gọn gàng: áo cánh nâu, cổ tròn hay cổ quả tim, trong mặc áo lót không tay, quần đen bằng vải phin hay láng. Vấn khăn và chít khăn vuông mỏ quạ. Những người thoát ly làm cán bộ mặc áo kiểu sơ mi đại cán, tay thẳng, cổ hình cánh nhạn, áo thường may bằng vải màu xanh hòa bình hay ka-ki màu xi-măng, màu be hồng. Búi tóc hoặc cặp tóc. Đi dép cao su đen. Thời gian này, ở vùng tự do, hầu như vắng bóng những chiếc áo dài màu sắc của nữ thanh niên. Nhưng các bà, các cụ vẫn mặc áo tứ thân dài đi mít tinh, đi lễ, đi họp...
Ở miền Trung và miền Nam, phụ nữ vẫn giữ được nền nếp ăn mặc truyền thống. Ở vùng Pháp tạm chiếm cũng không có gì thay đổi, đặc biệt lắm trong tầng lớp phụ nữ lao động, tiểu thương, và một số phụ nữ tiểu tư sản.
Hòa bình lập lại, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Tiếp đó nhân dân Việt Nam lại phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Một nửa nước về phía Nam bị tạm chiếm. Những người phụ nữ miền Nam đã góp phần đáng kể trong cuộc đấu tranh anh dũng với danh nghĩa là đội quân tóc dài nổi tiếng. Quần áo bà ba, khăn rằn trên đầu hay vắt vai, đội quân này đã làm cho giặc Mỹ nhiều phen điêu đứng. Không thể không nhắc đến những đôi dép cao su truyền thống và sau đó là chiếc mũ tai bèo điển hình, đánh dấu nét đặc thù và trang phục của những chiến sĩ gái và trai chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam trong giai đoạn này.
Miền Bắc vừa chiến đấu vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phụ nữ thành thị, nông thôn đều tích cực tham gia hoạt động xã hội. Để phù hợp với cuộc sống mới, phụ nữ thành thị lại dần dần thay đổi cách ăn mặc từ xênh xang đến gọn gàng khỏe khoắn.
Người nhiều tuổi thường mặc áo cánh ngắn hoặc áo kiểu bà ba, may sát eo, tà rộng, thân dài, đường gấu cong hình vành lược. Cửa tay rộng. Cổ áo hình quả tim hoặc cổ thìa, cổ vuông..., áo may bằng các loại vải mỏng như phin nõn, lụa, pô-pơ-lin... Cán bộ, nhân viên cơ quan, xí nghiệp thường mặc áo sơ-mi kiểu Hồng Kông, cổ bẻ, tay thụng. Hầu hết nữ thanh niên mặc áo sơ-mi chiết eo hay kiểu Hồng Kông bó. Tay áo dài, cửa tay có măng sét to hoặc nhỏ, hoặc tay lửng 3/4, hay áo cộc tay, vai bồng. Các kiểu cổ áo: hai ve, lá sen nằm, lá sen đứng, lá sen vuông, một ve nhọn v.v... Aáo may bằng nhiều loại vải và nhiều màu sắc, điểm hoa hoặc kẻ ô, kẻ sọc.
Quần màu đen được dùng phổ biến trong mọi tầng lớp, thường được may bằng lụa chéo, lụa trơn, lụa hoa hay sa tanh, lanh, phíp v.v...
Mùa rét, các bà, các cô thường mặc áo bông Tàu: cổ áo đứng cao 5 cm (như cổ áo dài) vai tra, cửa tay rộng. Aáo thắt eo, tà rộng, chần mỏng, cài khuy, khuy thường bằng vải tết hình chiếc lá hay hình bướm thường cùng màu với vải áo. Kiểu áo bông này mặc gọn và đẹp. Còn áo kép là loại áo may bằng hai lần vải dày như nhung, hoặc sa tanh hoa hay trơn... cũng may như hình thức áo bông Tàu nhưng ở giữa không có bông (áo kép thường mặc vào mùa thu). Thiếu nữ và nữ thanh niên mặc áo vét Hồng Kông có li hay may thẳng, bằng vải ka-ki dày. Cổ hai ve nhọn hay tròn hoặc lá sen đứng. Một hàng cúc cài ở giữa hay cài lệch bên ngực. Có hai túi thẳng hay chéo. Tay thẳng, cấu tay gập vào trong hay lật ra ngoài. Aáo len các loại: dài tay hoặc không tay. Aáo mở, cài cúc, hay áo chui đầu, thân áo dài đến cạp quần, mặc ra ngoài áo sơ mi hay ở trong áo vét. Cổ quàng khăn san, khăn nilông, khăn hoa hoặc khăn len...
Những người đứng tuổi thường quấn tóc trần, búi tóc hoặc uốn tóc. Trẻ tuổi, nữ thanh niên: cặp tóc, tết tóc đuôi sam, cắt tóc ngắn đến ngang vai hoặc uốn tóc. Đi guốc gỗ hay guốc nhựa đế bằng, hoặc cao gót từ 5cm - 7cm - 9cm lòng máng, có một quai ngang hay hai quai chéo. Người cao thường đi dép lê bằng nhựa nhiều kiểu và màu khác nhau.
Chiếc áo cánh của chị em nông thôn miền Bắc từ năm 1954 trở đi đã được cải tiến nhiều: thân áo may sát eo hơn, vạt áo lượn vòng. Ngoài màu nâu, còn dùng màu xanh hòa bình, màu trắng, màu hồng... bằng nhiều loại vải khác nhau.
Hình ảnh những cô dân quân áo cánh nâu non, chít khăn vuông đen mỏ quạ, chiếc thắt lưng da to bản thắt ngang người, vai đeo súng... là một hình ảnh đẹp mới của người phụ nữ Việt Nam, với những nét nền nã, kín đáo nhưng khỏe mạnh, kiên cường trong tư thế sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.
Nữ công nhân mặc bộ quần áo bảo hộ lao động màu tím than hay áo sơ mi trắng, quần tím than liền yếm. Tóc cặp gọn lên cao, cắt ngắn hay uốn. Đội mũ lưỡi trai hay chùm bao tóc bằng vải hoặc buộc chéo trên đầu chiếc khăn nhiều màu. Chân đi giày ba-ta, giày vải thấp cổ, hay dép cao su đen hoặc đi "bốt"...
Áo bờlu (blouse) dài màu trắng, quần vải trắng, đội mũ tròn trắng khi làm việc là trang phục của chị em ngành y tế.
Chị em mậu dịch viên mặc áo sơ mi cổ hai ve, tay thẳng rộng, màu xanh hòa bình hay màu trắng.
Những ngày hội, ngày tết, bên cạnh những bộ trang phục khỏe đẹp của lực lượng lao động sản xuất và chiến đấu, người ta lại được thấy những chiếc áo dài đổi vai, thắt vạt, những dải thắt lưng hoa lý, hoa đào và đặc biệt là những tà áo dài rực rỡ nhiều màu sắc của các cô gái tung bay, với những chiếc nón trắng cầm tay, che nghiêng bên mái tóc, trông như đàm bước đẹp.
Những bộ trang phục phụ nữ ấy toát lên tính chất nhẹ nhàng, thanh lịch của từ ngàn xưa đúc lại. Đồng thời còn biểu hiện sức sống mạnh mẽ của vẻ đẹp truyền thống đã được bao đời gìn giữ và phát triển, đã vượt qua được những thử thách của thời gian, chống trả lại sự chi phối dồn dập của các kiểu mốt lai căng. Mặt khác vẫn có sự tiếp thu những yếu tố mới lành mạnh, hài hòa, giản dị để tự khẳng định sự tồn tại và thích nghi với cuộc sống hiện đại. Điều ấy rất đáng tự hào.
Phụ nữ lao động ở thành thị, ở nông thôn Trung Bộ vẫn thường mặc áo cánh ngắn hay áo bà ba bằng nhiều loại vải và nhiều màu khác nhau. Mặc quần màu đen, ống rộng, bằng sa-tanh hay ni-lông. Tóc búi gọn sau gáy, có người vấn khăn như phụ nữ miền Bắc.
Phụ nữ đứng tuổi tầng lớp trên ở thành phố, thị trấn mặc áo dài may sát thân, thường ưa màu sáng như màu hoàng yến, màu xanh da trời... Cổ đứng, cao từ 3 - 5cm. Đặc biệt màu tím Huế của chiếc áo dài vẫn được phụ nữ ưa chuộng. Tóc vẫn búi như bình thường. Tuy nhiên cũng có hình thức khá cầu kỳ, như kiểu búi tóc cao lên đỉnh đầu cuộn lại làm ra hình mỏ phượng còn những dải tóc ở bên và ở gáy được chải, xếp thành nhiều lớp như cánh phượng, gọi là búi tóc phượng. Nhiều người vẫn vấn tóc trần nhưng sau khi vấn tóc, phía sau gáy lại chải một lớp tóc võng xuống như hình lưỡi trai. Nữ sinh mặc áo dài màu trắng, quần trắng. Tóc cặp trễ sau lưng hay cắt ngắn đến ngang vai (tóc thề), với chiếc nón che nắng đồng thời cũng là vật trang sức. Chiếc nón trắng và mỏng, lồng vào giữa hai lớp lá là một số chữ bằng giấy màu trổ cắt, còn gọi là nón bài thơ. Quai nón bằng dải lụa, hoặc màu hồng, xanh da trời hoặc màu hoàng yến... được thắt nơ như đôi bướm ở hai đầu trong vành nón hoặc buộc nút buông hai đầu mềm mại rủ xuống cạnh mái tóc người đội nón.
Phụ nữ Huế ít dùng đồ trang sức, một số người vẫn đeo kiềng vàng. Phấn son chỉ tô điểm nhẹ khi cần thiết làm tôn vẻ đẹp tự nhiên của khuôn mặt.
Ơở Nam Bộ, phụ nữ lao động mọi lứa tuổi ở nông thôn thường vẫn đội khăn rằn, mặc quần áo bà ba quen thuộc màu đen và còn mặc thêm nhiều màu khác nữa trắng, xanh, nâu, gụ, hoa... bằng nhiều loại vải, nhất là ni lông. Aáo dài vẫn được sử dụng.
Người nhiều tuổi thường để tóc dài, búi gọn sau gáy. Nữ thanh niên cặp tóc, hoặc xõa tóc.
Tại thành thị, phụ nữ nhiều tuổi mặc áo dài may sát thân, vạt dài quá đầu gối, mặc quần trắng hoặc đen, tóc búi gọn sau gáy hoặc uốn tóc.
Nữ thanh niên tầng lớp trên và đa số tiểu tư sản thay đổi kiểu ăn mặc chạy theo "mốt hiện đại" từ thế giới thời trang, được sự khuyến khích của Mỹ - Ngụy..., hàng ngày tác động vào mạnh mẽ.
Kể từ năm 1954, chiếc áo dài Việt Nam đã được nhiều nữ sinh mặc đến trường với kiểu tà rộng, eo thắt, cổ cao có lót cứng, ống tay hẹp.
Năm 1960, nhất là khi hàng ni lông tràn ngập miền Nam, thịnh hành nhất là kiểu áo dài mỏng được mặc ra ngoài một loại áo lót, cổ khoét rất sâu xuống, không tay, may liền với quần sa-tanh đen.
Ít năm sau, Trần Lệ Xuân, vợ Ngô Đình Nhu tung ra một kiểu áo dài khoét cổ ngang - bị phản đối kịch liệt - nhưng rồi người ta lại khoét cổ tròn, cổ vuông, cổ nhọn... tay áo ngắn hơn, tà rộng, dài ra, nhưng thân áo bó sát, thắt eo.
Những năm sau 1968, trong phong trào "mi-ni" chiếc áo dài lại đổi dạng: tà áo rất hẹp, vạt ngắn đến đầu gối, cổ cao, vai nối chéo, cánh tay áo ngắn, có tay rộng. Do xẻ tà cao, bên trong lại không mặc áo cánh nên từ chỗ xẻ tà đến cạp quần thường hở cả lườn.
Áo dài may bằng các loại vải nội, vải ngoại đắt tiền với các màu trắng, màu sáng, màu bồ quân, màu tím Huế... Thân và vạt áo có khi thêu hoa, thêu rồng, thêu phượng. Nếu là vải hoa thì in đủ các cỡ hoa to, hoa nhỏ nhiều màu sặc sỡ, hoặc các hình kỷ hà rối rắm.
Phong trào mặc áo, váy đầm cũng song song phát triển. Thời gian đầu (1954 - 1959) vẫn là các kiểu đơn giản như sơ-mi cổ tròn, cổ bẻ, rồi không có ve cổ, cổ khoét sâu hình bầu dục, hình tròn, kiểu cổ ngang, cổ vuông... Aáo tay ngắn, tay phồng... may bằng vải trắng, vải màu hay vải hoa.
Váy, từ kiểu dài quá đầu gối, may phồng và hơi khum phần dưới (gọi là váy chuông) đến những năm 1960 lại may thẳng, xẻ chút ít ở giữa thân sau, hoặc may xếp li, hoặc may bó. Mặc với áo ngắn tay hoặc áo không tay, ngang lưng có dải vải thắt ngoài, bỏ giọt bên cạnh hay ở giữa. Hoặc mặc với áo thẳng, cổ viền, túi viền... một màu hay nối màu.
Điểm xuyết vào các bộ trang phục này là những đường ren, và trên ngực, bên vai, hay ở thắt lưng có đính bông hoa bằng vải, chiếc "nơ" to, hoặc chiếc kẹp trang sức đá quý, dải vải mỏng, dài... Nếu mặc áo ngắn tay hay không tay, người ta thường đeo găng ngắn hoặc dài bằng ren hay xoa... thêu đẹp. Có người quàng khăn mỏng trên vai, đeo hoa tai bằng vải...
Áo dệt thun chui đầu với các kiểu cộc tay hay không tay, cổ bẻ hay không cổ, gấu áo bỏ ra ngoài váy. Có cả các loại quần thun bó sát, ống ngắn, hoặc rộng dài hơn.
Sau năm 1968, chiếc váy mi-ni ra đời, ngắn trên đầu gối, càng ngắn càng hợp thời trang. Loại áo khoét cổ có bớt đi, áo không tay và ngắn tay lại phát triển. Aáo dài tay cài khuy "măng xét" cũng được sử dụng. Đặc biệt áo sơ mi may rất dài. Có loại thân trước xẻ làm ba vạt.
Quần Âu ống loe 30cm - 40cm xuất hiện với nhiều loại thắt lưng da các màu, to bản. Người ta dùng cả thắt lưng bằng kim khí. Và cho đến những năm về sau này, ống loe đã phát triển lên tới 50cm rồi 60cm, hai bên ống quần không nối, gấu quần không vén, không máy mà được đốt thành những hình sóng lượn.
Âo quần kiểu "híp-pi" đã một thời chiếm lĩnh mốt thời trang của Sài Gòn. Áo may bằng vải xô mỏng, thêu rối rắm, tay dài hoặc tay ngắn. Có loại áo may rất ngắn, để hở cả lưng, bụng người mặc, ống tay áo dài hoặc ngắn nhưng rộng, gấu tay áo thít lại cho tay áo phồng lên. Quần bò "Zin" bó mông, bạc phếch, có khi vá miếng da ở đầu gối, ở mông...
Xuất hiện thêm loại váy dài đến mắt cá nhân, có hàng khuy ở giữa từ thắt lưng xuống gấu, cài mấy khuy là tùy thuộc ở chủ nhân.
Về đầu tóc, từ năm 1954, nhiều bà đã thôi búi tóc mà uốn quăn. Tóc của nữ thanh niên cũng diễn ra đủ kiểu: cắt ngắn, uốn điện, và kéo một số dải tóc uốn thành hình móc câu xuống trước trán hoặc để tóc dài, uốn lượn sóng, hoặc cuộn những búp (ăng-lê) đung đưa quanh đầu.
Rồi đến giai đoạn uốn tóc, rẽ đường ngôi lệch trở thành lạc hậu, lúc này người ta rẽ đường ngôi giữa và để tóc buông thả tự nhiên đến ngang vai, ngang lưng, gió thổi bay lòa xòa che cả mặt. Hoặc cuộn thành nhiều cuộn tóc nhỏ trên đầu, hoặc đánh rối làm cho tóc bù xù...
Giày dép cũng thay đổi nhanh chóng. Năm 1954 - 1959, phụ nữ giàu sang mới có điều kiện đi giày da đế mỏng, mũi nhọn, gót cao. Đến ít năm sau, người ta đi giày mũi vuông, gót vuông, thấp. Nếu mặc áo dài thì phải đi guốc gỗ gót cao, nhọn, sơn mài hay sơn các màu, hoặc có vẽ hoa lá.
Cuối cùng là những đôi giày rất cao, rất thô và những đôi guốc cũng thật cao, vượt quá 10cm, như những đôi "cà kheo" nặng nề.
Đồ trang sức phổ biến có vòng tay bằng nhựa nhiều màu đeo ở cổ tay hay ở bắp tay. Nhẫn phần nhiều đều gắn mặt đá nhiều màu, cỡ lớn. Tai đeo vòng to. Cổ đeo các vòng đồng hoặc các chuỗi hột to.
Kính đeo mắt, giọng bằng nhựa, mắt kính càng ngày càng to ra với các hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, nhiều cạnh, với các màu xanh, tím nhạt, hồng nâu v.v...
Các mốt trang điểm tất nhiên theo hướng phát triển của mốt trang phục. Càng về sau, mặt càng đánh bự phấn. Môi son, má hồng đỏ chót. Mắt kẻ đậm nét, trên mi tô màu xanh, hoặc nâu, hoặc tím, có người tô cả hai màu hoặc ba màu nối tiếp, cặp hàng lông mi giả. Lông mày nhổ, để lại một hàng chỉ nhỏ rồi vẽ cho đậm. Móng tay, móng chân đánh màu hồng rồi đỏ, thậm chí màu nâu, màu tím, màu xanh, màu nhũ bạc...
Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, áo mặc của phụ nữ ba miền không còn sự khác biệt nhiều nữa. Phụ nữ đứng tuổi ở thành thị, ngày thường mặc áo cánh, áo bà ba, áo sơ-mi Hồng Kông, áo sơ-mi chiết ly... với các loại cổ: hình quả tim, cổ thìa, cổ vuông, hình chữ V, cổ cánh nhạn, có hai ve... Có người mặc áo hai bên vạt trước hay ở ngực thêu, hoa thưa hoặc giua nổi một vài họa tiết. Gấu áo, cổ tay miệng túi, đường viền cổ, hai bên tà áo đều giua. Có hình thức thêu hoa ở chung quanh gấu áo hoặc ở bốn góc tà trước và sau. Vai áo tròn (cắt liền vải), hoặc có khi cắt vai chéo (raglan). Ngày lễ, ngày Tết, các bà mặc áo dài, màu trang nhã.
Nữ thanh niên có nhiều kiểu áo: áo bộ đồ mặc ở nhà, áo chui, áo mở, áo sơ-mi chiết ly, áo sơ-mi Hồng Kông, áo vai bồng, vai liền, vai tra, vai chéo, áo có hoặc không có cầu vai, áo có cả cầu ngực hoặc trang trí đường nổi ở ngực áo thành nửa hình tròn, hình vuông, hình nhọn, áo ngắn tay hoặc dài tay, tay măng sét, tay lửng, tay chun, tay loe, tay thụng, tay chun xi mốc v.v... Aáo mở tà hoặc không mở tà, vạt áo cong vành lược, hoặc lượn hình cung, hoặc tròn... Có kiểu áo hai hoặc một túi ngực nổi, có hoặc không có nắp, miệng túi thẳng hoặc chéo, có kiểu túi hình trái đào. Ve cổ áo phụ nữ, có nhiều kiểu rất phong phú: cổ liền, cổ thìa, cổ quả tim, cổ vuông, cổ chữ U, có nẹp hoặc làm ximốc, cổ tròn có nẹp hoặc làm ximốc, cổ chữ B, cổ một ve, cổ hai ve tròn, cổ hai ve nhọn, cổ hai ve liền, cổ lá sen tròn, cổ lá sen nhọn, lá sen vuông, lá sen nằm, cổ ve đứng có chân, cổ đứng (như cổ áo dài), cổ cánh nhạn, cổ lật nhọn, cổ lật vuông, cổ lật tròn,cổ lật nằm, cổ cravát, cổ lính thủy, cổ Nhật Bản, (cổ bà lai), cổ san (châle) v.v...
Có các kiểu áo cầu kỳ như áo cánh bướm, áo cánh dơi. Đặc điểm của áo cánh bướm là cổ áo tròn, tay áo loe rộng, gấu áo là một đường cong. Khi mặc, giang thẳng hai tay thì trông toàn bộ thân áo như một nửa hình tròn. Đặc điểm của áo cánh dơi là cổ áo hình nhọn (chữ V), tay áo loe rộng, gấu áo hình nhọn (chữ V). Khi mặc, giang thẳng hai tay thì trông toàn bộ thân áo như một hình tam giác cân. Những kiểu áo này được may bằng chất liệu mềm để tạo những nếp rủ làm cho những đường cong ở cửa tay, gấu áo được mềm mại, với các màu sặc sỡ, có các hình trang trí ở cổ áo, tay áo, gấu áo... gây thêm ấn tượng sâu sắc cho người ta về tên kiểu áo.
Mùa hè, thường dùng áo bằng các loại vải như phim nõn, lụa, xoa... hợp với khí hậu Việt Nam. Nhiều kiểu áo dệt kim cộc tay, áo phông đơn giản hợp với tuổi trẻ, tạo dáng khỏe mạnh. Aáo dài vẫn được mặc thường xuyên ở đô thị miền Nam, còn ở miền Bắc và miền Trung thường mặc trong những ngày cưới, ngày hội, ngày Tết, một số ngày nghỉ. Giới trẻ cũng ưa chuộng áo dài may kiểu vạt ngắn, thêu hoa hoặc in những họa tiết đẹp ở tà áo hay ở ngực.
Hình thức may áo sơ-mi ghép nhiều màu bằng vải hoa hay vải trơn vào các bộ phận hợp lý như cổ áo, tay, ngực, vai... đã làm cho chiếc áo thêm hấp dẫn, tươi trẻ. Ơở nước ta, áo ghép màu còn có ý nghĩa tiết kiệm.
Các bà, các cô thường mặc quần lụa hay sa-tanh đen. Nữ thanh niên sau một thời gian dài mặc quần đen ống hẹp, rồi ống thẳng, rộng, hơi loe, gần đây đa số mặc quần Âu. Trong thời gian này, có phong trào không mặc quần trắng nữa mà mặc quần Âu, áo dài.., vừa tiết kiệm, vừa tiện lợi, nhất là trong thời tiết mùa đông ở miền Bắc, miền Trung, một chiếc quần lụa trắng không đủ để chống rét.
Sinh hoạt trong nhà, nhiều phụ nữ ở cả ba miền đã mặc quần áo vải hoa và gọi là đồ bộ."