Ai nghe tiếng Nghệ thì nghe ...
--------------------------------------------------------------------------------
Xứ Nghệ (gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) nổi tiếng cả nước và thế giới bởi nhiều lẽ. Không chỉ là đất “địa linh nhân kiệt” phong cảnh hữu tình, “non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”; không chỉ bởi có nhiều đặc sản mà xứ Nghệ còn nổi tiếng bởi cách mời khách trịch thượng, khí khái và bất cần như người Nghệ “Ai vô xứ Nghệ thì vô…”. Có lẽ cũng chỉ người Nghệ mới có cách mời như thế. Tuy nhiên, cái mà người Nghệ gây ấn tượng nhất lại chính là tiếng Nghệ. Trong cảm nhận của người ngoài, người Nghệ là “dân trọ trẹ”. Cách nói của người Nghệ nhanh với âm sắc ngang và nặng không trộn lẫn vào đâu được.
Những câu tục ngữ, ca dao của xứ Nghệ góp cho đất nước thật đặc sắc. Câu tục ngữ: “ Chị em du như tru một bịn, chị em gấy như trấy cau non” là câu tục ngữ của người Nghệ, xứ Nghệ. Nhiều người biết du (dâu), tru (trâu), gấy (gái), trấy (trái) nhưng bịn thì không mấy người biết, mà không biết thì không thể hiểu được, không khéo hiểu sai. Câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một tràng khôn” cũng vậy. Phải là đàng mới hiệp vần với tràng (sàng). Mà đàng thì ắt là của người Nghệ.
Ca dao Việt Nam có nhiều câu nói về hình ảnh cây đa, bến nước. Nhưng có lẽ không có câu nào thảng thốt, day dứt và ám ảnh hơn còn lưa, mô như cách nói của người Nghệ trong câu:
Cây đa, bến cũ còn lưa,
Con đò năm ngoái năm xưa mô rồi
Xứ Nghệ cũng là nơi điển hình cho sự lưu giữ các từ cổ. Nhiều từ hiện chúng ta đang dùng có mặt trong ngôn ngữ của người Mường, anh em sinh đôi của người Việt cổ như trôốc(đầu), chưn- chin (chân), gấy (vợ), nhôông (chồng), đi rông- ti dông (đi chơi) vv… Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân cũng vậy. Những xống trong áo xống, pheo trong tre pheo, qué trong gà qué, má trong *** , cộ trong xe cộ, vv…hầu như không hề xa lạ.
Trong lịch sử văn học dân tộc, có thể nói xứ Nghệ là nơi góp mặt cho đất nước nhiều văn nhân, thi phẩm nổi tiếng mà không nói ra ở đây ai cũng có thể biết như Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nhà thơ- dinh điền sứ- Nguyễn Công Trứ, nhà thơ- nhà chí sĩ cách mạng- Phan Bội Châu, nhà thơ- danh nhân văn hoá thế giới- Hồ Chí Minh, nhà thơ- ông thầy của tình yêu- Xuân Diệu, vv… Đặc biệt, nhà thơ thiên tài Nguyễn Du đã có công rất lớn trong việc đem những từ ngữ thuần Việt có gốc gác từ xứ Nghệ vào sánh vai với ngôn ngữ đầy hoa mỹ, ước lệ với những điển tích, điển cố trong truyện Truyện Kiều. Đọc Truyện Kiều mà thiếu đi hiểu biết về tiếng Nghệ sẽ không khác thiếu hiểu biết điển tích, điển cố.
Có một điều thật thú vị, không hiểu lý do gì mà hầu hết những nhà nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học hàng đầu của nước ta hiện nay đều là người xứ Nghệ như Cao Xuân Hạo, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Ngọc vv… Họ chẳng phải đã được nguồn sữa mẹ là tiếng Nghệ nuôi dưỡng đó sao?
Tiếng Nghệ là “đặc sản” của người Nghệ hiến dâng cho đất nước. Cũng như người Nghệ, xứ Nghệ, tinh hoa của tiếng Nghệ phải được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế biết đến. Không có lý do gì để chúng ta không tự hào về tiếng Nghệ. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi là người có nỗi niềm thật lắng sâu về người Nghệ, tiếng Nghệ :
Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ sỏi đá khô cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.
Thật đáng buồn là hiện nay, trên phương tiện báo hình và báo nói của xứ Nghệ, một số phát thanh viên tự “pha tiếng” của mình. Chẳng trách một số con em chúng ta đi làm ăn xa lại cố tình học mót tiếng xứ người. Có ai chê người Huế nói tiếng Huế, người Quảng nói tiếng Quảng hay người Sài Gòn nói tiếng Sài Gòn vv… đâu mà sợ họ chê người Nghệ nói tiếng Nghệ. Cái đáng chê là người Nghệ không biết nói tiếng Nghệ. Họ đã quên mất mình là người Nghệ. Người Nghệ thì phải nói tiếng Nghệ. Trong sự giao lưu và hoà nhập, người Nghệ, xứ Nghệ cần giữ lại bản sắc của mình là tiếng Nghệ nếu không muốn bị hoà tan.
Năm 2005, năm du lịch Nghệ An, du khách trong và ngoài nước đến xứ Nghệ ngoài việc thăm thú các di tích, thắng cảnh, tìm hiểu văn hoá, phong tục tập quán, người ta còn muốn biết người Nghệ ăn, nói thế nào. Biết đâu đấy chuyện người Nghi Lộc chỉ nói một thanh “ca co cuông, ca co đuôi va ca co quai" lại chẳng thú vị như chuyện “cá gỗ” chặt to, kho mặn; chuyện người xứ Cồn Lim (Thanh Chương) không phát âm được âm a “ Nem con ké trèo rènh hẻn” lại chẳng thú vị như món “ Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” với du khách.
Và đây, cái kiểu Ai nghe tiếng Nghệ thì nghe…trịch thượng, khí khái và bất cần của ông cha mình một thuở đã trở nên nghe thân thương như một tiếng rao, mời gọi thiết tha.